Những vấn đề liên quan đến ly hôn tại Úc

Mỗi quốc gia có những thủ tục ly hôn khác nhau nhưng dù ở đâu thì việc nắm chắc luật sẽ khiến cho mọi  thủ tục của bạn trở nên thuận tiện và bạn sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc ly hôn và những vấn đề liên quan đến quyền nuôi con và phân chia tài sản theo pháp luật Australia được quy định tại các phần VI, VII, VIII Đạo luật Gia đình năm 1975.

Theo Điều 48 Đạo luật Gia đình 1975 thì một cuộc hôn nhân chỉ chấm dứt khi nó đã “tan vỡ không thể cứu vãn nổi”. Bạn phải chứng minh được hai vợ chồng đã ly thân tối thiểu 12 tháng và không có khả năng tái hợp trở lại. Nếu Tòa án xét thấy hai bên vẫn còn khả năng tái hợp thì sẽ không giải quyết cho ly hôn. Khi quyết định ly thân, bạn và đối phương không nhất thiết phải sống ở hai nơi khác nhau mà có thể vẫn chung sống dưới một mái nhà nhưng bạn phải chứng minh được rằng mỗi người có cuộc sống riêng biệt và không dành thời gian cho nhau.

Bạn có thể đơn phương ly hôn hoặc cả hai thuận tình ly hôn. Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu tuyên bố chấm dứt hôn nhân khi ly hôn. Nếu muốn Tòa án giải quyết các vấn đề về phân chia tài sản, nuôi dưỡng con cái, tiền cấp dưỡng cho vợ/chồng thì bạn phải nộp đơn yêu cầu giải quyết riêng trong vòng 12 tháng kể từ ngày án lệnh công nhận ly hôn có hiệu lực.

Sau khi ly thân tối thiểu 12 tháng thì bạn mới được nộp đơn xin ly hôn. Để viêc ly hôn nhanh chóng và thuận tiện, tốt nhất bạn nên thương lượng với đối phương để đạt được các thỏa thuận về vấn đề tài sản và con cái.

Trường hợp kết hôn chưa đầy 2 năm, hai bên sẽ được yêu cầu thử tham gia tư vấn hôn nhân trước khi nộp đơn xin ly hôn. Trường hợp như vợ/chồng mình mất tích hoặc đang là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình sẽ không cần tham gia tư vấn hôn nhân và  bạn sẽ phải làm bản tự khai có tuyên thệ để nêu hoàn cảnh của mình. Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm 5 bước:

Bước 1: Điền chính xác thông tin vào Đơn xin ly hôn theo mẫu có sẵn tại phòng lục sự của Tòa án Gia Đình. Trường hợp ly hôn đơn phương thì đơn xin ly hôn phải được ký tên trước mặt Thẩm phán hòa giải hoặc luật sư. Trường hợp ly hôn chung thì đơn xin ly hôn chỉ cần có chữ ký của hai vợ chồng.

Bước 2: Nộp hồ sơ xin ly hôn đến Tòa án Gia Đình. Hồ sơ xin ly hôn có thể nộp trực tuyến, qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại Tòa. Trường hợp ly hôn đơn phương thì người xin ly hôn còn phải tống đạt bản sao Đơn xin ly hôn cho vợ/chồng minh.

Bước 3: Thanh toán phí nộp đơn: Phí nộp hồ sơ xin ly hôn tại thời điểm năm 2018 là $900 và $300 đối với trường hợp được giảm phí.

Bước 4: Tham dự phiên tòa

Tham dự phiên tòa là bắt buộc đối với trường hợp người xin ly hôn đơn phương có con dưới 18 tuổi, dù đó là con nuôi hay con riêng của vợ/chồng. Nếu không thuộc trường hợp trên thì đương sự có thể lựa chọn tham dự phiên tòa hoặc không.

Bước 5: Nhận án lệnh ly hôn từ Tòa án.

Tòa án ban hành án lệnh công nhận việc ly hôn và gửi qua đường bưu điện cho các đương sự. Án lệnh có hiệu lực sau 01 tháng 01 ngày tính từ ngày án lệnh được ban hành. Thời điểm có hiệu lực của án lệnh có thể sớm hơn đối với những trường hợp đặc biệt khi các đương sự đều đồng ý rút ngắn thời gian có hiệu lực của án lệnh.

Thông thường, thời gian để Tòa án giải quyết cho ly hôn ở Úc không ít hơn 04 tháng.

Hồ sơ ly hôn gồm:

  • Đơn xin ly hôn có thể được thực hiện bởi vợ hoặc chồng (đơn xin ly hôn đơn phương) hoặc bởi cả hai vợ chồng (đơn xin ly hôn chung);
  • Bản sao giấy chứng nhận kết hôn;
  • Bản sao giấy chứng nhận quốc tịch hoặc hộ chiếu;
  • Bản khai có tuyên thệ chứng minh về việc sống ly thân: bản khai có tuyên thệ của cá nhân (trường hợp ly hôn đơn phương)/bản khai có tuyên thệ chung của hai vợ chồng (trường hợp ly hôn chung) hoặc bản khai có tuyên thệ của một người thứ 3 là bạn bè hoặc người thân trên 18 tuổi có thể chứng minh được việc sống ly thân của vợ chồng bạn.
  • Tài liệu, giấy tờ khác có liên quan như thư gửi cho vợ/chồng về việc sống ly thân, bảng kê ngân hàng, văn bản Centrelink xác nhận sự thay đổi tình trạng quan hệ hai vợ chồng của Centrelink (Bộ an sinh xã hội).

Cách thức phân chia tài sản theo luật pháp của Úc không tuân theo một công thức nhất định nào. Tòa án không nhất thiết phải phân chia tài sản theo nguyên tắc 50/50- tức hai bên có phần bằng nhau mà Tòa sẽ xem xét nhiều yếu tố như tài sản sở hữu trước khi kết hôn, những đóng góp của các bên trong thời kỳ hôn nhân, nhu cầu trong tương lai (ví dụ như một bên có cấp dưỡng cho con cái hay không, tuổi tác và sức khỏe, khả năng tìm việc làm và có thu nhập của các bên).Thông thường, những đóng góp của một bên như người vợ về chăm sóc con cái, nhà cửa… sẽ được xem xét có tầm quan trọng tương đương như đóng góp của người là trụ cột kinh tế chính của gia đình.

Liên quan đến tranh chấp về quyền nuôi con, tốt nhất bạn nên tìm được tiếng nói chung và thoả thuận được với nhau về quyền nuôi con cũng như cấp dưỡng trước khi đưa vấn đề ra Tòa.

Nếu không tìm được tiếng nói chung, theo pháp luật Úc, Tòa án sẽ phán xét quyền nuôi dưỡng con cái dựa trên việc bên nào có thể cung cấp những quyền lợi tốt nhất cho đứa trẻ. Tòa án phải cân nhắc về việc bảo vệ đứa trẻ tránh khỏi bạo lực gia đình, tổn hại về thể xác và tinh thần, mong muốn của đứa trẻ về việc muốn ở cùng ai, mối quan hệ giữa đứa trẻ với bố mẹ và với những người ở cùng bố mẹ, khả năng của bố/mẹ trong việc đáp ứng những nhu cầu của đứa trẻ, đạo đức, phẩm chất của người được nuôi dưỡng trẻ.

Trường hợp ly hôn trong quá trình bạn đang sở hữu visa hôn nhân, bạn cần trình báo với Bộ Nội vụ Úc, thông báo cho Bộ Nội vụ bất kỳ thay đổi nào về hoàn cảnh của di dân. Điều quan trọng là phải đảm bảo minh bạch và trung thực trong quá trình khai báo. Sau khi thông báo cho Bộ Nội vụ thì bạn sẽ có thời gian là 28 ngày để cung cấp thông tin giải thích lý do vì sao visa của bạn không nên bị hủy bỏ. Hãy nhớ rằng bất cứ thông tin khai báo nào đều phải đúng với thực tế và hoàn cảnh.

Bộ Nội vụ sẽ cân nhắc có hủy visa của di dân hay không dựa trên mối quan hệ hôn nhân của bạn tan vỡ có phải là do bạo lực gia đình hay không. Điều này đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng, và bạn phải trình ra bằng chứng có thể chấp nhận được để không bị hủy visa. Bộ Nội vụ cũng cân nhắc có hủy visa của di dân hay không dựa trên yếu tố người phối ngẫu còn sống hay đã qua đời. Nếu đã có con thì bạn có chịu trách nhiệm nuôi hoặc cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn không, bạn cần có bằng chứng làm rõ.

093.728.1988
Liên hệ