Đối với du học sinh, việc được định cư tại đất nước mình du học là mong muốn của nhiều người. Tuy nhiên làm thế nào để được định cư là vấn đề không đơn giản. Bài viết sau sẽ phần nào làm cho bạn hình dung ra các con đường nhập cư và phấn đấu để đạt được mục tiêu theo con đường mình đã chọn.
Có 3 cách để định cư tại Úc theo con đường tự túc không có thân nhân bảo lãnh.
Cách 1: Skilled Migration: Diện này còn gọi là Skilled Independent Visa (subclass 189). Đây là cách phổ biến nhất dành cho các bạn có trình độ và bằng cấp đủ tiêu chuẩn. Úc có hệ thống tính điểm nhập cư gọi là Points Test, trong đó có nhiều tiêu chí để tính điểm như tuổi, trình độ tiếng Anh, số năm kinh nghiệm, số năm đã ở Úc, bằng cấp… Theo đó những ai đạt được tổng cộng từ 65 điểm trở lên sẽ đủ tiêu chuẩn được viết đơn Expression of Interest (EOI) để vào danh sách xét duyệt gọi là pool. Mỗi năm Chính phủ Úc sẽ có những chỉ tiêu về số lượng người được phép nhập cư cho từng ngành (quota), họ sẽ xét trong danh sách này theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp. Ngành nào có nhiều người nộp đơn và số lượng quota được cấp ít thì điểm sẽ càng cao. Ví dụ năm 2015 ngành kế toán quá nhiều người nộp đơn trong khi Chính phủ lại giảm quota nhập cư cho ngành này nên điểm nhập cư đã tăng lên 70, việc chênh lệnh 10 điểm cũng là vấn đề lớn.
Có 2 yếu tố quan trọng khi apply trong diện này: Bạn phải là “người có kỹ năng” (theo tiêu chuẩn của Úc) và kỹ năng của bạn phải thuộc nhóm Chính phủ Úc cần (những ngành mà họ đang thiếu người). Chính phủ Úc có 1 danh sách gọi là SOL (Skilled Occupations List). Trong danh sách này ghi cụ thể tên những ngành, vị trí và mô tả chi tiết công việc của từng chuyên ngành mà Úc đang cần. Bạn có thể xem qua danh sách này để kiểm tra xem chuyên môn của mình có thuộc ngành mà họ cần không. Danh sách SOL này không cố định, mỗi năm chính phủ Úc sẽ họp và quyết định thêm ngành nào bỏ ngành nào tùy theo tình hình kinh tế đất nước họ. Sau khi xác định kỹ năng của bạn đã thuộc danh sách SOL, họ sẽ xét xem bạn có đủ trình độ chuyên môn mà họ cần hay không.
Để xác minh được tiêu chí này thì phải qua một bước gọi là Migration Skills Assessment. Bộ Di Trú ủy quyền việc này cho một loạt tổ chức chuyên môn chứng nhận, ví dụ ngành IT thì do ACS (Australian Computer Society) chứng nhận, tương tự với các ngành khác thì sẽ có tổ chức khác chứng nhận. Để có được Skill Assessment thì ACS cơ bản dựa trên 2 yếu tố: Bằng cấp và kinh nghiệm làm việc.
Với những ai có bằng cấp thì cần lưu ý bằng cấp càng cao càng được nhiều điểm (Tiến sĩ > Thạc sĩ > Cử nhân). Bằng cấp do các trường đại học Úc cấp thì được ưu tiên hơn. Yêu cầu thêm 1-2 năm làm việc trong vị trí đúng chuyên ngành. Sau khi có hết những hồ sơ chứng minh thì nộp đơn cho đơn vị chuyên môn để họ xét duyệt.
Với những ai không có bằng cấp thì sẽ phải xét kinh nghiệm làm việc. Đối với một số ngành, họ cho phép quy đổi số năm kinh nghiệm làm việc ra tương đương bằng đại học. Với IT họ đòi trên 8 năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương cộng thêm 2 bản giải trình kỹ thuật cho 2 dự án gần nhất (trong vòng 3 năm) mô tả rằng bạn đã thực sự đảm nhiệm những công việc tương ứng với các kỹ năng họ yêu cầu. Khi làm các bản giải trình này thì phải làm càng kỹ càng tốt. Kinh nghiệm làm việc phải có xác nhận của công ty. Khi xét duyệt người của ACS hoặc Bộ Di Trú sẽ tiến hành xác minh, nếu không đúng sự thật thì sẽ bị xem như gian dối và vào “danh sách đen”, tương đương với việc gần như không bao giờ được cấp Visa vào Úc nữa.
Sau khi đã được cấp Skill Accessement rồi thì quay lại tiếp tục với các thủ tục khác cho bên di trú. Bộ Di Trú sẽ yêu cầu các tiêu chí khác như trình độ tiếng Anh, sức khỏe, hồ sơ tư pháp/police check… Sau khi đủ hết tất cả các yêu cầu (đủ số điểm) thì bạn sẽ được nộp đơn và được vào danh sách hàng chờ. Họ sẽ kiểm tra xem tiêu chí nào của bạn được công nhận và tiêu chí nào không, từ đó ra tổng số điểm. Sau đó sẽ ưu tiên xét từ cao xuống thấp.
Cách 2: Diện công ty bảo lãnh
Bạn đi du học Úc và sau khi tốt nghiệp bạn được nhận vào làm tại một công ty ở Úc. Hoặc bạn đang ở Việt Nam và apply vào 1 công ty nào đó ở Úc rồi trúng tuyển, lúc này nếu công ty muốn đưa bạn vào làm việc thì phải làm thủ tục bảo lãnh cho bạn. Nếu đi theo diện này thì bạn sẽ không phải làm gì nhiều, bạn không phải quan tâm đến thang điểm như diện 189 cũng như không lệ thuộc vào danh sách SOL (nhưng vẫn phải thỏa mãn danh sách CSOL – là danh sách có nhiều ngành hơn SOL). Tuy nhiên, công ty bảo lãnh bạn sẽ cực hơn rất nhiều. Cụ thể công ty phải trải qua 3 bước:
Bước 1: Công ty nộp đơn xin bảo lãnh:
Ở bước này công ty phải giải trình với Bộ Di Trú Úc đại loại rằng công ty đang cần tuyển dụng lao động nhưng tuyển mãi ở Úc không được, vì thế công ty mong Bộ Di Trú đồng ý để công ty bảo lãnh bạn được làm việc tại Úc. Để giải trình thì công ty phải đáp ứng 2 điều kiện sau:
Điều kiện 1: Tránh trường hợp lập công ty ma để bảo lãnh, Bộ Di Trú yêu cầu công ty phải đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn như: Số năm hoạt động của công ty đã đủ lâu chưa, doanh thu hàng năm của công ty có đủ lớn không, số lượng người trong công ty có đủ đông không…
Điều kiện 2: Công ty phải chứng minh được rằng đã làm mọi cách để tuyển người bản địa (người Úc) nhưng không tìm ra: Đã cố gắng đầu tư cho hoạt động đào tạo (tối thiểu 1% tổng doanh thu của công ty và phải làm liên tục trong 3 năm). Rất nhiều công ty rớt ở điểm này vì 1% tổng doanh thu thường rất nhiều, đặc biệt là với những công ty có doanh thu lớn. Đã cố đăng tuyển dụng trong thời gian dài mà không được. Và còn rất nhiều thủ tục khác mà công ty phải chứng minh. Những thủ tục này thường khá rườm rà và hầu hết các công ty thường phải nhờ đến các luật sư di trú để giúp chuẩn bị hồ sơ. Sau khi chuẩn bị đủ hết các yêu cầu thì công ty được quyền nộp hồ sơ và chờ Bộ Di Trú xét duyệt. Nếu công ty được đồng ý thì sẽ chuyển sang bước 2.
Bước 2: Công ty tiến cử bạn:
Sau khi vượt qua bước 1, công ty sẽ tiến cử bạn với Bộ Di Trú Úc bảo lãnh cho bạn được làm việc tại Úc. Bước này sẽ thêm khá nhiều thủ tục cần chứng minh. Trong đó có yêu cầu mức lương trả cho bạn đó phải bằng hoặc cao hơn mức lương thị trường ở Úc (để tránh trường hợp thuê lao động nước ngoài vì giá rẻ). Sau khi Bộ Di Trú đồng ý cho phép công ty tiến cử bạn thì chuyển đến bước 3.
Bước 3: Bạn nộp đơn xin bảo lãnh
Ở bước này bạn sẽ chứng minh với Bộ Di Trú Úc rằng bạn là người đủ khả năng cho vị trí công việc sẽ đảm nhận tại Úc. Việc chứng minh bao gồm:
Chứng minh kỹ năng: Việc chứng minh này cũng tương tự như bước Migration Skills Assessment bên trên, và cũng do ACS xét nếu là ngành IT. Nếu mức lương mà công ty dự định trả cho bạn cao hơn 180.000 AUD/năm thì không phải qua bước chứng minh này.
Chứng minh trình độ tiếng Anh đủ để làm việc.
Chứng minh hồ sơ tư pháp/police check đủ tiêu chuẩn, trong quá khứ không vi phạm chính sách nhập cư (của bất kỳ nước nào chứ không phải chỉ riêng Úc), không bị các bệnh truyền nhiễm, có hồ sơ bảo hiểm…
Sau khi nộp hồ sơ thì lại chờ Bộ Di Trú xét duyệt và cấp Visa. Sẽ có 2 hướng: Một là bảo lãnh thẳng vô PR (gọi là Direct Entry Stream – subclass 186). Hai là Temporary Skilled Worker (subclass 457). Visa 457 có hiệu lực trong 4 năm, tuy nhiên chỉ cần cầm Visa 457 trong 2 năm thì sẽ được quyền apply vào PR.
Với cách 2 đi theo diện công ty bảo lãnh nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra khá khó. Vì hầu hết các công ty ở Úc đòi phải có quyền làm việc ở Úc rồi mới tính tới chuyện phỏng vấn, nếu không có Visa làm việc thì họ loại ngay từ đầu. Thủ tục quá phức tạp nên thường họ rất ngại tài trợ cho nhân viên.
Do đó để đi được theo cách 2 này chúng ta cần phải chứng minh rằng mình phải thật sự xứng đáng để công ty làm đủ thứ thủ tục kể trên. Bạn lưu ý rằng có một số nơi người ta lập các “công ty ma” để bảo lãnh người nhập cư theo dạng này. Bạn không nên chọn các dịch vụ này vì đây là phạm luật và bạn sẽ đặt mình vào vị trí rủi ro bị lừa đảo, mất thời gian, mất tiền bạc và trường hợp xấu nhất là sẽ bị đưa vào danh sách đen, dẫn đến việc bị cấm cửa nhập cảnh Úc mãi mãi.
Cách 3: Du học Úc và xin định cư
Đây thực ra chỉ là một sự chuẩn bị cho 1 trong 2 cách trên. Cụ thể chọn học ngành phù hợp với nhu cầu nhập cư của Úc và sau đó đi theo dạng Skilled Migration hoặc sau khi học xong thì tìm công ty làm việc để đi theo dạng công ty bảo lãnh.
Ngoài ra có một lưu ý nhỏ là mọi người cẩn thận lừa đảo khi chọn luật sư và các dịch vụ di trú, bất kỳ nơi nào quảng cáo rằng có “tay trong” làm trong Bộ Di Trú, có thể linh động này nọ… tất cả đều là lừa đảo. Với cách mà Chính phủ Úc hoạt động thì một người không thể có khả năng chi phối quyết định, chưa kể Úc là một trong những nước có tỉ lệ tham nhũng rất thấp.