Thư bày tỏ nguyện vọng (Motivation Letter) rất cần thiết trong một bộ hồ sơ du học xin học bổng. Motivation letter là một bài luận khoảng 600 từ nêu được nguyện vọng và động lực khiến bạn muốn xin vào trường. Trong thư bày tỏ nguyện vọng, bạn cần nêu rõ vì sao mình muốn du học và chọn khóa học tại ngôi trường này, kỳ vọng của bạn vào khóa học này là gì và bạn sẽ ứng dụng những điều đã học sau khi tốt nghiệp như thế nào, nó có giúp ích và đóng góp gì cho việc bạn trở về nướclàm việc.
Trước khi viết motivation letter, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu thông tin về trường đại học và chương trình học mà bạn đang theo đuổi. Thông tin càng rõ ràng, càng chi tiết càng tốt. Trang web trường sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về yêu cầu, kỳ vọng đối với sinh viên, thông tin nhà trường.
Khi bắt đầu viết thư, việc đầu tiên là bạn phải lập dàn ý để thư bày tỏ nguyện vọng của bạn thật logic và thuyết phục. Việc quan trọng nhất là bạn phải nói về bản thân mình một cách tinh tế. Bạn phải chứng minh rằng bạn khác với những người nộp đơn còn lại ở chỗ nào và phẩm chất, kỹ năng và trình độ của bạn ra sao. Bạn cần thể hiện cho trường thấy vì sao mình phù hợp với khóa học, thành tích của mình, sở thích hay động lực cụ thể nào đó để mình nộp đơn. Những động lực để ứng tuyển vào trường có thể từ chủ quan hoặc khách quan. Các thông tin phải xác thực và có tính thuyết phục, không nên nêu những khó khăn hay gia cảnh bản thân.
Dàn ý sơ lược có thể như sau:
– Mở bài: Giới thiệu vị trí bạn ứng tuyển và nguồn thông tin bạn biết đến học bổng, khóa học.
– Thân bài: Lý do bạn chọn trường, ngành học tại trường. Trong đó thể hiện bạn rất hiểu trường, thể hiện sự yêu mến và mong muốn được học tại trường. Bạn có thể tìm hiểu những sự kiện nổi bật đã diễn ra tại trường, trang web, những cơ sở vật chất của trường, phương pháp giáo dục, đội ngũ giảng viên tại trường. Qua đó bạn có thể nhấn mạnh những điểm mạnh của bản thân phù hợp với những gì họ đang tìm kiếm.
Một số lý do như:
+ Lý do chủ quan: mong muốn mở mang học vấn, phát triển sự nghiệp, từ niềm đam mê, phù hợp với kiến thức và kinh nghiệm của mình, câu chuyện đã từng trải qua, lựa chọn nghiên cứu lĩnh vực này vì đây là vấn đề cấp bách, chưa được xã hội giải quyết, muốn tiếp cận tri thức nhân loại…
+ Lý do khách quan: muốn đóng góp vào nền kinh tế, giáo dục quê hương, giúp đỡ những người khó khăn,…
– Kết luận: Lời cảm ơn và có thể bày tỏ sẽ trình bày rõ hơn với một cuộc phỏng vấn với đại diện nhà trường.
Ngoài trình tự trên, bạn cũng có thể gây ấn tượng với ban Tuyển sinh bằng cách viết theo trình tự ngược lại, kể một câu chuyện của mình, rồi dẫn dắt người đọc đến những thông tin mà bạn cần cung cấp. Nhớ đưa ra những thông điệp ở đoạn kết để cho thấy họ nên chọn bạn.
Ngoài ra, để một lá thư nguyện vọng đạt được ấn tượng mạnh, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:
– Không sao chép mẫu thư nguyện vọng trên mạng bởi bạn sẽ chẳng gây ấn tượng được với ban tuyển sinh nhà trường. Những mẫu thư chung chung rất mờ nhạt, không có câu chuyện gắn liền với chính bạn.
– Hãy nêu bật những thế mạnh của mình và mong muốn, khát khao của bản thân để được học ngành học bạn chọn tại ngôi trường bạn chọn.
– Chọn một điểm mạnh nhất của bạn và tập trung sự chú ý, cũng như câu chuyện về nó. Không liệt kê quá nhiều ý trong thư nguyện vọng của bạn. Có thể bạn rất hào hứng về những điểm cộng của bản thân và muốn kể hết cho ban Tuyển sinh nghe. Tuy nhiên, đừng biến mình thành một kẻ khoe mẽ, mà hãy súc tích và nhất quán, tập trung trình bày những ý chính mà thôi.
– Thêm những suy nghĩ và cảm xúc của bạn khi tham gia hoạt động mà bạn kể hoặc câu chuyện trọng tâm mà bạn đang nói đến… Đừng để những lá thư nguyện vọng của bạn trở nên nhàm chán và đơn điệu bằng việc chỉ kể đơn thuần về hoạt động bạn từng tham gia.
– Đừng cố viết bức thư của bạn theo lối hài hước. Viết theo lối hài hước trong một bức thư nguyện vọng không phải là một cách hay. Mỗi người sẽ có tính cách riêng và sự cảm thụ khác nhau, vì vậy một tin gây cười có thể làm người này vui, nhưng làm người khác khó chịu. Vì thế để tránh tối đa những hậu quả có thể xảy ra từ lối viết hài hước, tốt nhất bạn nên viết một lá thư nguyện vọng nghiêm túc mà chân thành.
– Đừng bỏ qua bất kì câu hỏi nào, đặc biệt là những câu hỏi về cá nhân của bạn. Các câu hỏi riêng cho cá nhân giúp ban Tuyển sinh có thể hiểu về bạn rõ hơn, vì thế chúng rất quan trọng. Hãy trả lời đầy đủ và suy nghĩ đủ sâu để chia sẻ nhiều hơn.
– Bạn nên lưu ý về lỗi chính tả và ngữ pháp. Bạn cần kiểm tra kỹ để chắc chắn thư của bạn không mắc lỗi chính tả. Lỗi này tưởng đơn giản nhưng nó có thể khiến ban Tuyển sinh nhìn bạn dưới góc độ không chỉn chu, cẩn thận, hoặc tạo cho họ một chút không thiện cảm. Vì thế đừng bỏ qua việc cuối cùng ‘nhỏ mà có võ’ này nhé.